Cùng xem Top kỷ niệm đáng nhớ về công việc trên youtube.
20 năm xây dựng và trưởng thành, trải qua nhiều thăng trầm nhưng MEDLATEC đã để lại trong mỗi cán bộ, nhân viên một tình cảm khó quên, bởi ở đó không chỉ là nơi làm việc của mỗi người mà còn là mái nhà, là nơi để mỗi cán bộ đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn.
TRỰC TRƯA
Ngày đầu tiên đi làm tôi thấy thời gian trôi đi thật nhanh và tôi thật sự thấy choáng với khối lượng công việc đang chờ mình: từ dọn vệ sinh, giặt quần áo, đi chợ, nấu cơm – rửa bát, cọ ống nghiệm, trực trưa (trông xe, trực tổng đài)… Từ một người chưa bao giờ phải làm nhiều công việc trong cùng một ngày, nhưng khi vào Công ty tôi đã cố gắng để hoàn thành một cách tốt nhất.
Thời gian đầu, do chưa quen với công việc và chưa biết cách sắp xếp thời gian hợp lý nên tôi hay bị cô Lan và các anh chị mắng. Nhiều lần tôi đã trốn vào nhà vệ sinh để khóc, có những lúc tưởng chừng tôi phải bỏ việc tại công ty nhưng rồi với sự động viên của các thầy cô và các anh chị, tôi như có thêm sức mạnh để vượt qua những lúc khó khăn đó. Thông qua cách đối xử, giao tiếp hàng ngày của thầy cô và các anh chị, tôi thấy toát lên vẻ đầm ấp, gần gũi như người thân của mình.
Vì một ngày phải làm nhiều việc nên rất mệt mà buổi trưa lại phải trực nghe điện thoại và trông xe (vì lúc đó chưa có phòng tổng đài chuyên nghiệp và chưa có bảo vệ như bây giờ) nên tôi đã ngủ gật rất nhiều lần và bị thầy cô, anh chị bắt gặp. Đặc biệt, một hôm khi đang gục xuống bàn ngủ gật thì nghe tiếng động, tỉnh dậy đã thấy một chú là thành viên Hội đồng quản trị ngồi ở bàn tư vấn. Lúc đó tôi rất sợ bị chú mắng vì không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trái lại, chú còn bảo: cháu cứ nghỉ một lát đi, để chú trông cho. Lúc đó tôi rất xúc động, cảm ơn chú và lại gục xuống ngủ tiếp!
(Phạm Vân Anh-Phòng Nhân sự)
CUỘC ĐIỆN THOẠI ĐẶC BIỆT
Tình cờ trong một lần trực đêm, tôi nhận được cuộc gọi của một cụ có giọng nói thật ấm áp, tôi nghĩ chắc cụ cũng tầm tuổi ông bà tôi ở quê.
”Cháu à, bác là bệnh nhân quên thuộc của Bệnh viện MEDLATEC. Bác đã sử dụng dịch vụ của các cháu đến nay là được gần 20 năm rồi. Bác có một góp ý nhỏ cháu hãy chuyển lại cho bên bệnh viện giúp bác nhé”. Nghe đến đây trong lòng tôi bỗng thoáng lo lắng không biết có chuyện gì.
Cụ chậm rãi nói tiếp: “Từ khi bác sử dụng dịch vụ của bệnh viện MEDLATEC mỗi lần đến nhà làm xét nghiệm cho gia đình bác, các bạn thu 10.000 đồng tiền phí đi lại. Ngày đó mọi thứ đều rẻ lắm cháu ạ. Bây giờ bác cháu mình mang 10.000 đồng ra chợ sẽ chẳng mua được gì. Tiền xăng lên, giá cả mọi thứ đều lên, trưa nắng các bạn đi lại rất vất vả. Các cháu thu thêm 40.000 hay 50.000 đồng tiền phí đi lại cũng không sao đâu cháu ạ. Bác già yếu, con cháu thì công việc bận rộn, không thể đi viện chờ xếp hàng để làm xét nghiệm được, các cháu đến kiểm tra sức khỏe cho bác là tốt lắm rồi. Bác cảm ơn các cháu nhiều lắm”. Một cảm giác vui mừng xen lẫn tự hào tràn về trong tôi.
(Phạm Nga-Phòng Tổng đài)
Phòng tổng đài nhận và hướng dẫn, trả lời yêu cầu của khách hàng
BÀI HỌC ĐẦU TIÊN
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, bài học đầu tiên của mình ở MEDLATEC, không phải là học về nội quy, chuyên môn, hay bất kỳ điều gì mà tôi đã từng được học ở những nơi làm việc trước, mà là học cách “chào”. Bạn thử nghĩ xem, chỉ có những bậc làm cha làm mẹ, những người thân trong gia đình chúng ta, những người yêu mến chúng ta mới dạy chúng ta những điều tưởng như nhỏ nhặt ấy, vậy mà đó là điều đầu tiên tôi được học ở MEDLATEC. Chào là cách biểu hiện sự tôn trọng của bản thân đối với người khác, là phương tiện thể hiện sự quan tâm cũng như yêu thương của mình đối với mọi người. Ở MEDLATEC, chúng ta chào tất cả mọi người, bất kể già trẻ gái trai, bất kể sang hèn giàu nghèo, bất kể nhân viên cũ hay nhân viên mới – đó vừa là một nét đẹp cũng vừa là truyền thống ở nơi đây.
(Nguyễn Thu Huyền – Khoa Khám bệnh)
NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG MANG MÀU DA CỦA NẮNG
Giờ giấc là một điều hết sức nghiêm ngặt và phải được đảm bảo, do xét nghiệm thường làm vào buổi sáng nên tôi cũng thường phải đi sớm về muộn. Có buổi sáng đang nấu mì chuẩn bị ăn thì khách hàng gọi qua gấp, bỏ bát mì thì tiếc mà ăn ngay thì nóng quá, tôi đành cho ít đá cho nguội, tranh thủ ăn rồi lên đường gấp. Những ngày chủ nhật khi bạn bè đi chơi, đi picnic còn tôi thì vác cặp đi làm… Chuyện điện thọai reo trong giờ nghỉ, lúc ngủ cũng là chuyện bình thường.
Cực khổ là thế, vất vả là thế. Nhưng từ khi đến với công việc này tôi đã thấy mình năng động, mạnh dạn hơn, không nhút nhát, ít nói như trước nữa.
(Nguyễn Doãn Duy – Chi nhánh MEDLATEC thành phố Hồ Chí Minh)
Bạn có thích thú khi trở thành những con ong chăm chỉ lấy mật như chúng tôi không? Đôi khi là cái nắng thiêu đốt lúc gần trưa hay đầu giờ chiều, đôi khi là những cơn mưa nặng hạt không dứt, đôi khi là những bữa cơm bỏ dở, đôi khi là những đợi chờ, đôi khi là những cái nhìn xa lạ, khinh khỉnh, đôi khi là sự hằn học vì vừa lấy máu cho bé, nên bé ghét chẳng thèm chào khi ra về. Tôi và những anh em đội tại nhà, người đàn ông mang màu da của nắng nhưng đầy nhiệt huyết, nếu không đã chẳng đủ sức mà chạy như chim mỗi ngày.
(Nguyễn Văn Thịnh – Chi nhánh MEDLATEC thành phố Hồ Chí Minh)
Đội ngũ nhân viên khai thác bệnh phẩm
MỘT LẦN TRỰC ĐÊM
Một năm qua kỉ niệm với tôi có lẽ không đong đếm được, niềm vui thì nhiều, nỗi buồn cũng không ít. Tôi nhớ buổi trực tối với chị Tuyến, chị làm việc tại phòng Nội soi tiêu hóa, có lẽ do lượng bệnh nhân đông và cả ngày mệt mỏi, đến tối đi ngủ chị vẫn mơ màng gọi tên bệnh nhân vào phòng khám. Đang thiu thiu thì bỗng nghe tiếng chị: “Em mời chị Nguyễn Thị Loan vào phòng nội soi”. Chị Giang trực cùng lúc đó nhanh miệng: “Thôi, để chị Loan đi ngủ em ạ, nửa đêm nội soi gì nữa”. Mấy chị em trực với nhau lại được trận cười khúc khích giữa đêm.
Cứ như thế mỗi ngày, tôi thấy yêu nghề hơn, dù mệt mỏi nhưng lúc nào cũng có niềm vui. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa để có thể cống hiến được nhiều hơn cho bệnh viện, cũng là điều mà tôi mong muốn, hoàn thành ước mơ của mình.
Xem Thêm : Vẽ Tranh Vẽ Chặt Phá Rừng – Vẽ Tranh Vì Môi Trường Tương Lai 51
(Ngô Thị Mai – Khoa Khám bệnh)
Niềm nở, ân cần hướng dẫn bệnh nhân là một quy chuẩn của MEDLATEC
CỐ LÊN, TÔI ƠI
Những ngày đầu tiên làm việc tại MEDLATEC đã làm tôi ”sốc” nặng vì áp lực công việc quá cao trong khi tôi là một đứa mới ra trường, công việc thực tế khác xa so với những gì tôi tưởng tượng.
Sau những ngày đi làm vừa qua tôi cảm nhận được tình cảm của mọi người, sự quan tâm của các anh chị trong khoa khi mỗi ngày các anh chị đều hỏi: ”hôm nay thế nào em? Đã quen chưa? Cố gắng lên nhé“. Và đến giờ phút này tôi có thể khẳng định rằng sự lựa chọn của tôi ngày đó là hoàn toàn sáng suốt. MEDLATEC đã khiến tôi hiểu được thế nào là sự kiên trì, nỗ lực, là sự cố gắng và đoàn kết. Gần 3 năm trôi qua nhìn lại sự phát triển của MEDLATEC tôi cảm thấy rất vui, vui vì đã góp được phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của MEDLATEC để giờ đây có thể tự hào rằng mình là một nhân viên của MEDLATEC.
(Đặng Thị Quỳnh Mai – Khoa Chẩn đoán hình ảnh)
BỮA CƠM TRƯA
Bữa cơm trưa hôm ấy, bữa cơm đầu tiên của tôi tại MEDLATEC, lạ lẫm, tò mò và có pha một chút căng thẳng. Có lẽ vì đó là nơi tập trung nhiều người nhất trong công ty. Tôi bước vào sau cánh cửa của nhà ăn với thái độ rụt rè, dò xét lấy phần cơm của mình rồi nhẹ nhàng chọn một chỗ phía trong gần cửa sổ nơi tôi vẫn thích nhất khi đi ăn ở bất cứ đâu và có thể quan sát mọi người.
Phòng mỗi lúc một đông, cứ chốc chốc lại thấy một tiếng mời thật to của người mới chuẩn bị ăn cơm: “cháu mời cô, em mời các thầy, anh chị và các bạn ăn cơm”. Điều lạ là không ai, không một ai trong số họ quên điều đó trước khi ngồi xuống. Phòng gần như sắp được lấp kín. Không khí không yên ắng như những nhà ăn bình thường khác, mọi người cười nói, kể chuyện, pha trò, rồi tất cả căn phòng lại rộn tiếng cười sảng khoái, giống như một bữa cơm của đại gia đình đông con chứ không hề khách sáo như môi trường công sở khác.
Điều làm tôi bất ngờ nhất có lẽ là sự xuất hiện của Cô (Võ Thị Ngọc Lan) bên bàn ăn cùng nhân viên. Cô là giám đốc bệnh viện, Cô là người đứng đầu điều hành công ty hơn 200 nhân viên thời đó. Không phòng ăn riêng, không thức ăn riêng đặc biệt hơn các nhân viên khác. Không ghế ngồi sang trọng hơn. Và không có gì khác các nhân viên cả. Ngày nào cũng thế từ ngày thành lập công ty với vỏn vẹn hai mâm cơm đến giờ, Cô chưa bao giờ không ăn cùng nhân viên như vậy, không ngồi cùng nhân viên như vậy mỗi giờ ăn trưa. “Đó là truyền thống của công ty rồi” – tôi được một anh lâu năm kể lại cho như vậy.
Thật hiếm có – tôi nghĩ vậy! Bữa cơm chỉ đơn giản là một bữa cơm thôi nhưng nó khiến một anh chàng thử việc còn đang hoài nghi về tương lai của mình tại môi trường mới dâng lên một cảm xúc thật lạ. Sự háo hức, vui mừng, xen lẫn một chút là tự hào bừng lên trong tôi. Tự hỏi có bao nhiêu công ty có được nét đẹp văn hóa như vậy, có môi trường cơ quan nào mà nhân viên sống với nhau như những anh em trong nhà như vậy. Có vị giám đốc nào gần gũi và thương yêu nhân viên như con mình như vậy.
(Nguyễn Ngọc Hiện – Phòng Khai thác bệnh phẩm)
Bữa ăn trưa ấm cúng tại Phòng khám 38 Châu Long
NỖI BUỒN MỘT NGÀY
Công việc của tôi được phân công là lấy mẫu bệnh phẩm và trả kết quả tận tay cho khách hàng tại nhà. Hàng ngày tôi phải đi trên nhiều tuyến đường phố, tiếp xúc với nhiều khách hàng đủ tầng lớp trong xã hội. Thời gian đầu làm việc có nhiều bỡ ngỡ và cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ có ban lãnh đạo, các thầy cô, cũng như những người đi trước hướng dẫn chỉ bảo tận tình nên đến nay tôi đã trưởng thành rất nhiều trong công việc cũng như cuộc sống.
Qua thời gian gắn bó với công việc đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc và ấn tượng khó quên, nhưng trong đó một sự việc xảy ra mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ không quên đó là lần lấy mẫu xét nghiệm cho một bác khách hàng ở trên đường Xuân Đỉnh, cũng như các lần khác tôi lấy cho bác vì bác đang theo dõi điều trị căn bệnh ung thư gan quái ác. Mỗi lần lấy máu cho bác, tôi nhìn thấy sức khỏe của bác giảm dần, người thân ai nấy đều lo lắng nhưng vẫn cố động viên bác.
Rồi như mọi lần khác tôi đến lấy xét nghiệm cho bác, nhưng lần này bác sĩ chỉ định xét nghiệm cần thời gian 3 ngày mới có kết quả. Hôm có kết quả tôi đem đến nhà gửi cho gia đình bác thì con gái bác bảo bác đã mất được 2 ngày nay rồi giọng chị rất buồn và mắt rớm nước mắt. Tôi ngẩn người ra vài giây vì đây là lần đầu tiên tôi gặp phải trường hợp này, tôi thực sự xúc động khi nghe chị kể lại, tôi xin phép được thắp nén hương cho người đã mất và chia buồn với gia đình. Trước khi về chị còn cảm ơn tôi và cảm ơn bệnh viện vì có dịch vụ lấy máu xét nghiệm tại nhà. Nhờ có dịch vụ đó mà gia đình không phải vất vả đến tận viện vì mỗi lần đi viện rất khó khăn và bất tiện.
(Lương Minh Đức – Phòng Khai thác bệnh phẩm)
MỘT SINH NHẬT ĐÁNG NHỚ
Trong suốt những năm tháng hành nghề của một bác sĩ có lẽ do đặc thù công việc mà những cảm xúc buồn bã, trăn trở, ám ảnh,… thường nhiều hơn những niềm vui và hạnh phúc. Đối với một bác sĩ Hồi sức cấp cứu hẳn nhiên những niềm vui còn hiếm hoi hơn nữa. Tuy nhiên, càng hiếm hoi thì mỗi khi xuất hiện, cái niềm vui ấy càng to lớn, càng mang nhiều ý nghĩa, động lực và nhiệt huyết giúp cho các bác sĩ như tôi và các đồng nghiệp khác thêm vững tin và nỗ lực hơn nữa trong công việc của mình. Tôi đã có một niềm vui, niềm hạnh phúc như thế, đặc biệt lại ngay trong ngày sinh nhật của mình. Thật là một sinh nhật đáng nhớ suốt đời.
Sáng hôm ấy, tôi đang báo cáo giao ban bệnh viện thì nhận được cuộc gọi điện thoại đề nghị tôi về phòng cấp cứu hỗ trợ ngay vì có trường hợp bệnh nhân nặng vừa hôn mê.
Về đến phòng cấp cứu, thấy bác sĩ Hạnh đang bóp bóng Ambu, điều dưỡng Đức và Dũng thì thay phiên nhau ép tim ngoài lồng ngực. Các bác sĩ và điều dưỡng khác cũng mỗi người một việc, ai cũng rất khẩn trương và lo lắng. Có thể thấy ngay là bệnh nhân đã rơi vào tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn…
Bệnh nhân đã được sốc điện vài lần để cắt cơn rung thất và mỗi người chúng tôi như một mắt xích trong cái guồng quay miệt mài vẫn từng nhịp, từng nhịp để kéo ngược sợi dây sự sống ở lại với bệnh nhân. Phía ngoài phòng cấp cứu tôi vẫn nghe thấy tiếng khóc nấc nghẹn của người vợ, tiếng ôn tồn của các thầy trong ban giám đốc bệnh viện đang giải thích và trấn an gia đình. Tôi mơ hồ hình như điện thoại trong túi rung lên liên tục nhưng cũng chẳng có thời gian mà để ý đến nó lúc này nữa.
Hoàn cảnh gia đình bệnh nhân cũng thật khốn khó, từ miền quê xa xôi 2 vợ chồng lên Hà Nội tìm việc. Vợ đi làm thuê, chồng chạy xe ôm kiếm tiền nuôi mấy miệng con nhỏ. Từ sáng sớm người chồng đã thấy có cơn đau ngực, khó thở, mệt mỏi. Vợ giục vào viện khám nhưng vẫn cố chạy thêm một chuyến xe ôm xong 2 vợ chồng mới đưa nhau vào viện. Chính vì đã quá gắng sức trong khi bệnh nặng đã khiến người chồng khi vừa đến viện đã gục xuống và hôn mê ngay.
Lại cố gắng nhồi ép tim liên tục, dùng tất cả các máy móc, các thuốc cần thiết và các kỹ thuật, thủ thuật khả dĩ có thể giúp bệnh nhân. Từng người trong chúng tôi đều đã đổ mồ hôi dù ngoài trời đang căm căm giá rét. Cứ thế hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi cứ hùng hục làm tất cả những gì có thể và đã tưởng rằng mọi nỗ lực rồi sẽ trở thành vô nghĩa khi cái tín hiệu sống còn trên màn hình Monitoring cứ mờ nhạt dần.
Thế rồi một thứ gì đó dường như vừa lóe sáng phút chốc, tôi vội xem lại Monitoring và nhận ra nhịp tim của bệnh nhân vừa trở về cái nhịp điệu bình thường như nó vẫn vốn thế nhiều chục năm qua. Tín hiệu sống – điều kỳ diệu ấy đã vừa quay trở lại.
“Báo xe cấp cứu chuẩn bị chuyển viện, ngay!” – Tôi như đã hét lên. Mọi người hẳn là cũng phấn khích như tôi, mọi thứ sẵn sàng gần như chỉ sau một hai phút. Chúng tôi lập tức đưa bệnh nhân ra xe cấp cứu và tiếp tục công việc hồi sức cho bệnh nhân trên đường chuyển viện. Tia sống kia, dù ít thôi nhưng đã ở lại, chúng tôi cần giữ gìn nó để trao lại cho các bác sĩ của bệnh viện tuyến trên, nơi có đủ điều kiện để tia sống nhỏ bé ấy sẽ ở lại với bệnh nhân lâu dài. Chúng tôi đã kịp!
Trên đường về, tôi sực nhớ đến điện thoại. Có rất nhiều cuộc gọi lỡ và tin nhắn của người thân, của bạn bè tôi. À, thì ra hôm nay là sinh nhật tôi, tôi đã quên mất ngày kỷ niệm ấy của mình. Mọi người đang chúc tôi một tuổi mới thêm nhiều sức khỏe, nhiều may mắn, nhiều thành công. Thú thực, những ám ảnh nặng trĩu về bệnh nhân vừa rồi đã choán hết tâm trí, chẳng còn chỗ để tôi thấy vui trong ngày sinh nhật của mình.
Một ngày mệt mỏi dần trôi, một đêm trực dài và nhiều trăn trở. Tôi lại tiếp tục cặm cụi, lầm lũi làm việc cho ngày mới. Bỗng nhiên tôi nhận được tin nhắn của đồng nghiệp từ tuyến trên báo về:
“Bệnh nhân ấy sống rồi, ông ấy đã kịp can thiệp tim mạch và đã bắt đầu cử động”.
Một niềm vui đột ngột dâng lên và vỡ òa ngay lúc ấy. Tôi vội vàng báo cho các bạn đồng nghiệp của tôi, những người đã cùng tôi giành giật cái sự sống mong manh ấy. Mọi người ai cũng hoan hỷ, vui mừng thực sự. Tin vui ấy lan nhanh khắp bệnh viện, như ánh bình minh vừa mới trải hơi ấm xuống từng ngóc ngách bệnh phòng sau một đêm lạnh giá.
Một món quà thật ý nghĩa, thật đặc biệt, thật vui trong ngày sinh nhật.
(Bs Bùi Văn Hải-Khoa cấp cứu điều trị)
BS Bùi Văn Hải tư vấn cho bệnh nhân
MEDLATEC LÀ NƠI CÓ CÔ
Ngày đầu tiên tôi đi làm trong một tổ chức, việc làm quen với môi trường với tôi thấy rất khó khăn, nhất là khi tôi được mọi người trong Công ty truyền tai “cô giám đốc rất khó tính”. Nhưng thời gian trôi qua, tôi được tiếp xúc với cô và cảm nhận được ở cô sự yêu thương, những điểm “khó tính” ở cô là để chúng tôi khôn lớn hơn, đạt được nhiều thành tích hơn nữa. Tôi cảm nhận được tình cảm của cô dành cho những nhân viên Công ty như đang chăm sóc những đứa con vậy.
(Ngô Thị Tuyền-Phòng Hành chính)
Chủ tịch HĐTV Võ Ngọc Lan và nhân viên
Tôi không quên hình ảnh cô Lan bất kì thời tiết ra sao 6h30 sáng cô đều đi bộ qua tất cả các khoa phòng xem tình hình kíp trực ra sao. Rồi những khi ai đó gặp sai sót cô phê phán khá gay gắt, sẽ rất sợ nhưng ai cũng hiểu cô góp ý đến nơi đến chốn là tốt cho mình, sẽ là bài học cho tất cả mọi người. Nặng lời là vậy thôi, chứ cô thương nhân viên lắm.
(Nguyễn Thị Thương-Khoa Xét nghiệm)
Đi thăm Hoàng thành Thăng Long Hà Nội, 2010
Mừng tuổi đầu năm, nét truyền thống của MEDLATEC
Ngày 10 tháng 3 năm ấy tôi bắt đầu đi thử việc. 7 giờ sáng tôi có mặt tại Bệnh viện MEDLATEC và bước chân vào phòng Răng đối diện phòng Khám, tôi đang loay hoay để tìm phòng Kế toán thì gặp cô Lan, cô cũng đi giao ban với phòng Kế toán.
Cô: Cháu đang đi đâu thế?
Tôi: Dạ thưa cô! Cháu đang đi tìm phòng Kế toán ạ.
Cô: Phòng Kế toán ư, cháu tự tìm cho nhớ.
Thời gian làm việc sau này tôi đã nhận ra đó là cách đào tạo nhân viên của cô, cái gì chúng ta tự học sẽ nhớ rất lâu.
(Nguyễn Văn Bình – Phòng TCKT)
Bà Võ Ngọc Lan tại Dự án Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam,
Xuân 2013
Được làm việc, tiếp xúc hàng ngày với người lãnh đạo mà tôi luôn quý trọng, tôi càng khâm phục, càng yêu quý hơn người phụ nữ ấy, càng trân trọng hơn những công sức, tâm huyết cả đời mà người phụ nữ ấy đã cống hiến cho MEDLATEC. Và Cô chính là tấm gương để mỗi khi gặp khó khăn trong công việc, trong cuộc sống tôi lại nghĩ đến làm động lực vượt qua.
Xin được một lần được coi Cô là mẹ, vì cô, vì những cống hiến, hi sinh của cô dành cho MEDLATEC. Tôi nguyện coi nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình, nguyện cố gắng hết mình vì Công ty. Tôi trân trọng từng giây phút được gặp và được cô chỉ bảo, dù có những giây phút tôi rất sợ, có những khi tôi đã khóc thật nhiều, nhưng tôi hiểu, cô đang vì sự nghiệp chung của công ty, vì trên vai Cô là cuộc sống của gần năm trăm gia đình.
(Trần Hà Mi – Phòng Nhân sự)
Nguồn: https://dongnaiart.edu.vn
Danh mục: Vẽ
Lời kết: Trên đây là bài viết Top kỷ niệm đáng nhớ về công việc. Hy vọng với bài viết này bạn có thể giúp ích cho bạn trong cuộc sống, hãy cùng đọc và theo dõi những bài viết hay của chúng tôi hàng ngày trên website: Dongnaiart.edu.vn